Ethambutol là một thuốc chống lao tổng hợp có tác dụng kìm khuẩn. Ethambutol có tính đặc hiệu cao và chỉ có tác dụng đối với các chủng thuộc họ Mycobacteria. Gần như tất cả các chủng Mycobacterium tuberculosis, M.bovis, M.kansasii và một số chủng M. avium đều nhạy cảm với ethambutol. Thuốc cũng ức chế sự phát triển của hầu hết các chủng vi khuẩn lao kháng isoniazid và streptomycin.
Cơ chế tác dụng của ethambutol ức chế tổng hợp một vài chất chuyển hóa của vi khuẩn lao gây rối loạn chuyển hóa tế bào (đặc biệt ức chế tổng hợp arabinogalactan là chất cơ bản tạo ra thành tế bào vi khuẩn lao), làm cản trở sự nhân lên và làm chết vi khuẩn lao.
Hình ảnh cơ chế tác dụng của ethambutol
Tỷ lệ kháng nguyên phát của Mycobacterium tuberculosis với ethambutol rất khác nhau, phụ thuộc phần lớn vào quần thể được lấy mẫu và phương pháp được sử dụng để phát hiện tình trạng kháng thuốc.
Dược động học:
Hấp thu: Ethambutol được hấp thu nhanh (75-80%) qua đường tiêu hóa. Sự hấp thu Ethambutol không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Phân bố: Thuốc phân bố vào phần lớn các mô và dịch cơ thể.
Chuyển hóa: Ethambutol chuyển hóa ở gan
Thải trừ: Nửa đời thải trừ của thuốc sau khi uống là 3,3 giờ, kéo dài hơn ở người bệnh có rối loạn chức thận hoặc rối loạn chức năng gan.
2. Chỉ định
Điều trị bệnh lao: Ethambutol được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác để điều trị bệnh lao (lao phổi và ngoài phổi) thể hoạt động và lao phổi kháng thuốc. Điều trị nhiễm trùng phổi do M.kansassi và các Mycobacteria khác (NTM). Điều trị nhiễm trùng Mycobacterium avium complex (MAC) lan tỏa ở người nhiễm HIV. Dự phòng tái phát Mycobacterium avium complex (MAC) ở bệnh nhân HIV (người lớn, trẻ vị thành niên và trẻ em).
3. Chống chỉ định
Tiền sử quá mẫn với ethambutol và viêm dây thần kinh thị giác, thị lực kém (trừ khi đã cân nhắc lợi ích và nguy cơ của việc điều trị).
4. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Phải uống ethambutol một lần duy nhất trong ngày. Thuốc có thể uống cùng với thức ăn, nếu bị kích ứng đường tiêu hóa.
Liều lượng:
Người lớn: Liều hàng ngày đối với bệnh nhân lao mới 15 mg/kg (15 - 20 mg/kg).
Điều chỉnh thuốc chống lao trong trường hợp suy thận
Liều khuyến cáo và tần suất cho người bệnh có độ thanh thải creatinine < 30 ml/phút hoặc bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo (chú ý: thuốc nên sử dụng sau khi lọc máu): liều 15-25 mg/kg x cách nhật.
5.Thận trọng
Độc với mắt: Ethambutol có thể gây tổn thương mắt, do tổn thương dây thần kinh thị giác, thường có hồi phục, liên quan đến liều và khoảng thời gian điều trị.
Rối loạn chức năng thận: Độc tính của ethambutol hay gặp ở người suy thận. Cần kiểm tra chức năng thận trước khi điều trị.
Rối loạn chức năng gan: Cần xét nghiệm kiểm tra chức năng gan nếu có các triệu chứng nghi ngờ viêm gan hoặc bệnh nhân thấy mệt mỏi trong quá trình điều trị.
Tăng phản ứng của bệnh gút: Do ethambutol làm giảm thải trừ acid uric qua thận.
6. Thời kỳ mang thai: Thuốc qua được nhau thai, chỉ dùng ở phụ nữ mang thai khi xác định lợi ích dùng thuốc cao hơn nguy cơ.
7. Thời kỳ cho con bú: Thuốc có thể qua được nhau thai và phân bố vào sữa mẹ nên ở trẻ sơ sinh và trẻ nuôi bằng sữa mẹ cần phải quan sát cẩn thận các tác dụng phụ của thuốc khi mẹ sử dụng Ethambutol.
8.Tác dụng không mong muốn của Ethambutol
Ethambutol thường được dung nạp tốt. Tác dụng không mong muốn chủ yếu gặp ở liều trên 25mg/kg/ngày. Có thể gặp tăng acid uric máu đặc biệt trong 2 tuần đầu dùng thuốc (do giảm sự thanh lọc các urat qua thận), gây ra các biểu hiện của cơn gút cấp.
Ít gặp:
Viêm dây thần kinh thị giác ở mắt, giảm thị lực, không phân biệt được màu đỏ với màu xanh lá cây, các dấu hiệu này có thể gặp ở một hoặc hai mắt.
Các ADR khác
Thận: độc với thận, bao gồm viêm thận kẽ.
Máu: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Dị ứng: phản ứng quá mẫn, phản ứng dị ứng, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson, viêm phổi dị ứng.
Gan mật: viêm gan, vàng da, tăng enzyme gan tạm thời
Tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
9. Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Viêm dây thần kinh thị giác là ADR có thể gặp ở người bệnh, đặc biệt là ở liều trên 25mg/kg/ngày, mức độ tổn thương phụ thuộc và liều dùng và thời gian dùng thuốc. Thông thường ADR sẽ hết sau khi ngừng thuốc nhưng cũng có một số ít trường hợp kéo dài đến một năm hoặc không hồi phục.
Cần kiểm tra thị lực và chức năng thận trong suốt quá trình dùng thuốc, nếu có giảm thị lực cần ngừng thuốc ngay.
10. Tương tác thuốc ethambutol
Dùng đồng thời ethambutol với isoniazid và các thuốc độc thần kinh khác như disulfiram, cloroquin, hydralazine … có thể tăng nguy cơ độc thần kinh, như viêm dây thân kinh thị giác và ngoại biên.
Với các antacid: Nhôm hydroxyd làm giảm hấp thu ethambutol ở một số người bệnh.
Sử dụng ethambutol cùng với ethionamide có thể làm tăng các ADR của thuốc (vàng da, viêm gan, viêm thần kinh, các bệnh lý ở mắt, đau đầu, chóng mặt và rối loạn tiêu hóa)
11. Quá liều và xử trí
Triệu chứng:Ngộ độc cấp thường xảy ra khi dùng liều cao hơn 10 g với các triệu chứng thường gặp: buồn nôn, đau bụng, sốt, lú lẫn,ảo giác và các bệnh lý khác của thần kinh thị giác.
Xử trí: nhanh chóng rửa dạ dày và tiến hành thẩm phân thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc để giảm nhanh nồng độ thuốc trong máu.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2022), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, pp.
2. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, đăng kèm Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/3/2020.
3. Cẩm nang hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị lao (2016)
Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ nhì sau ung thư gan. Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Trong nhiều năm qua, nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị đã thực hiện công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ này, giúp đẩy lùi bệnh lao, cứu sống hàng nghìn người...