Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị, đặc biệt với người bệnh tại các khoa Hồi sức tích cực (ICU) với nhiều diễn biến phức tạp. Dinh dưỡng không chỉ nhằm nuôi người bệnh mà còn giúp mau chóng hồi phục và hạn chế biến chứng. Khoa Dinh dưỡng và tiết chế - bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp đánh giá và can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng thành công cho một ca lâm sàng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Người bệnh nữ, 78 tuổi, tiền sử hen phế quản điều trị không thường xuyên, tăng huyết áp, đái tháo đường typ 2 điều trị thường xuyên nhiều năm, trầm cảm, dị ứng tôm. Người bệnh vào viện trong tình trạng bóp bóng thở nội khí quản, phù toàn thân, không sốt và được chẩn đoán: Suy hô hấp – Đợt cấp Hen phế quản – Viêm phổi P.aeuginosa – Tăng huyết áp – Đái tháo đường typ 2 – Trầm cảm, và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực.
Tình trạng lúc vào viện: Người bệnh mệt, thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, thể trạng trung bình, cân nặng 56 kg, BMI 22,2 kg/m2 (giảm 4 kg so với 1 tháng trước khi vào viện), phù nhẹ 2 chân, mất cơ, mất lớp mỡ dưới da mức độ vừa. Người bệnh tiêu hóa bình thường, ăn chế phẩm sữa dạng lỏng cao năng lượng qua ống thông mũi dạ dày 4 bữa/ngày. Tổng năng lượng đạt khoảng 50% và protein đạt khoảng 60% nhu cầu khuyến nghị.
Chỉ số cận lâm sàng: Albumin: 30 g/L; Protein toàn phần: 60 g/L; Pre-Albumin: 13,7 mg/dL đều thấp hơn giới hạn bình thường.
Hình 1: Người bệnh lúc mới nhập viện có triệu chứng phù ở chân
Sau khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh, chuyên gia Dinh dưỡng đã phối hợp với bác sĩ chẩn đoán người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng và đưa ra kế hoạch can thiệp. Người bệnh được nuôi dưỡng qua đường ống thông mũi dạ dày, bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng y học cho người bệnh đái tháo đường có năng lượng cao. Chuyên gia Dinh dưỡng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng hằng ngày nhằm thay đổi và đưa ra chế độ ăn phù hợp với khả năng dung nạp của người bệnh.
Sau 2 ngày can thiệp, không thấy xuất hiện các triệu chứng kém thích nghi như đi ngoài, chậm tiêu. Sau 7 ngày, người bệnh được cai thở máy, bỏ hỗ trợ hô hấp bằng nội khí quản, chuyển sang thở oxy gọng, tổng năng lượng trong một ngày đạt 90-100% nhu cầu khuyến nghị. Đến ngày thứ 12 sau can thiệp dinh dưỡng chuyên biệt, người bệnh đã ăn được cháo, chuyển từ khoa Hồi sức tích cực sang khoa Bệnh phổi mạn tính, có thể ngồi dậy và tập vận động tại giường, trung bình 1-2 giờ/ngày. Sau 3 tuần nhập viện, người bệnh được ra viện trong tình trạng sức khỏe phục hồi tốt, tăng 2 kg so với lúc vào viện và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường.
Hình 2: Người bệnh được cai thở máy và chuyển khoa điều trị
Người nhà người bệnh vui mừng chia sẻ: “Từ ngày bà bị bệnh, cô và cả gia đình đã rất lo lắng về bệnh tình và sức khỏe của bà khi chuyển từ bệnh viện tỉnh lên khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Phổi Trung ương. Sau khi được chăm sóc và nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bà đã khỏe lên từng ngày, nên gia đình mừng lắm. Cô xin cảm ơn sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương”.
Đánh giá và can thiệp sớm tình trạng dinh dưỡng trên người bệnh tại khoa Hồi sức tích cực là đặc biệt quan trọng, giúp cho bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài điều trị. Chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đúng và đủ tại khoa Hồi sức tích cực giúp người bệnh giảm biến chứng do suy dinh dưỡng và cải thiện chất lượng điều trị chung.
Nguồn: benhvienphoitrunguong.vn